PHẢI LÒNG NHỮNG CUNG ĐƯỜNG VẮT CHỈ
Tôi luôn thích những cung đường hiểm trở như băng qua “tứ đại đỉnh đèo” của núi rừng phía bắc, với những trải nghiệm không thể nào quên.
Cảnh đẹp của một trong những “tứ đại đỉnh đèo”
Có nhiều lần bạn hỏi tôi: “cớ sao lại hay đi rừng, đi rú, suốt năm suốt tháng lang thang trên khắp các nẻo đường?”. Tỉnh coong, tôi đáp lại: “có lẽ tớ phải lòng những con đường thật”. Những cuộc đi cứ chiếm lấy cả thanh xuân của tôi, khi rong ruổi miền biên thùy giữa đêm mưa gió bão bùng, lúc vượt đèo băng suối, khi đắm mình giữa phiên chợ miền cao, lúc ngà ngà chén rượu ngô trong căn nhà của đôi vợ chồng người H’Mong ở lưng chừng núi... ai đó nói, đại ý rằng niềm vui không hẳn là đích đến mà là những gì có được trên đường. Những con đường mang tới niềm vui nhưng có khi là cả nỗi đau – như một người tình vậy. Và với một gã đàn ông như tôi thì người tình ấy chắc hẳn là một người phụ nữ mang những đường cong mềm mại như bao khúc cua vội vã trong nắng chiều. Tôi thích những cung đường hiểm trở như băng qua “tứ đại đỉnh đèo” của nước Việt.
Mã Pì Lèng với cung đường cheo leo nằm vắt mình trên sườn núi
Ai đi về miền hà giang mà chẳng ghé Mã Pì Lèng, cung đường cheo leo nằm vắt mình trên sườn núi như dải lụa vắt ngang lưng trời. Dải lụa ấy còn được tô điểm bằng những ngôi nhà trình tường của đồng bào H’Mong và dòng Nho Quế trong xanh uốn mình len lỏi qua bao núi đồi. Mã Pì Lèng hay những cách đọc khác là mã pí lèng, mã pỉ lèng đều mang ý nghĩa “sống mũi con ngựa” theo tiếng H’Mong, với nghĩa bóng nói về sự hiểm trở bậc nhất nơi núi cao dựng đứng và đường thì dốc như sống mũi. Vượt bao khúc quanh, ngắm nhìn Tu Sản, mới thấy giang sơn trùng điệp, thấy mình nhỏ bé giữa tự nhiên đại ngàn. Tôi lại nhấn ga thêm một chút, xuôi dốc Thẩm Mã về Quảng Bạ rồi sang đất Lào Cai để nhọc nhằn vượt cung đèo cao nhất Việt Nam mang tên Ô Quy Hồ.
Ô Quy Hồ mềm mại với rừng xanh
Ô Quy Hồ hay có tên gọi khác là đèo Hoàng Liên (Hoàng Liên Sơn) dài gần 50km nối liền Lào Cai với Lai Châu ở độ cao gần 2.000m. những ngày mùa đông giá buốt, đỉnh cổng trời sương mù bao phủ chẳng nhìn rõ mặt người, hay có khi tuyết rơi trắng cả đường đi. Ngày nắng lên, bạn nhìn rõ cả những khúc quanh vòng theo mỗi sườn núi đã đi qua, thấy đỉnh Chu Va như ngọn giáo đâm thẳng lên bầu trời hay cả biển mây bồng bềnh trắng xóa như tiên cảnh. Nếu như Mã Pì Lèng là sự hiểm trở gai góc của núi đá tai mèo thì Ô Quy Hồ lại mềm mại hơn một chút với rừng xanh, thác Bạc hay đỉnh Fansipan lộng gió.
Đến đèo Pha Đin chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh đẹp núi rừng Tây Bắc
Người lữ khách cứ thế để cho tâm hồn dẫn lối thể xác, để vòng quay bánh xe qua mảnh đất nơi cuối trời Tây Bắc xuôi về Điện Biên qua Sơn La trên cung đèo từng là nỗi khiếp đảm cho cánh tài xế, hay bất cứ ai qua đây. Cung đèo ấy cũng đã đi vào thơ ca qua những miêu tả nỗi nhọc nhằn khó khăn khi vượt qua thời chiến tranh. Pha Đin cũ là cách gọi bây giờ để nói về con đèo thứ 3 trong “tứ đại đỉnh đèo” của nước Việt. Nhưng nếu đọc đúng theo tiếng của đồng bào Thái phải là Phạ Đin với Phạ có nghĩa là Trời, Đin là đất để ám chỉ nơi đó là chỗ tiếp giáp giữa Trời và Đất. Những cánh rừng phía chân đèo cứ thưa dần khi lên tới đỉnh, chỉ còn lại vách núi với vực sâu cùng trời xanh thăm thẳm mà tưởng như giơ tay lên là túm được đám mây.
Đèo Khau Phạ
Cung đèo cuối cùng trên chặng đường vòng quanh vùng đông Tây Bắc là đèo Khau Phạ, nối Tú Lệ với Mù Cang Chải. Khau Phạ theo tiếng của đồng bào người Thái nghĩa là Sừng Trời (chiếc sừng nhô lên tận trời xanh) để ám chỉ đoạn đường hơn 30km thường xuyên mây mù che phủ. Một bên là những vách núi cao, bên kia con đường lại là thung lũng Cao Phạ với nét vẽ chấm phá tuyệt sắc là những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ con suối giữa thung lũng lên tận đỉnh núi. Bức tranh ấy, dễ gì mà người họa sĩ phố thị tưởng tượng mà vẽ ra được nếu không dẫn thân mình vào những chuyến đi, vào sương gió bụi đường.
Những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ con suối giữa thung lũng lên tận đỉnh núi
Người lữ khách dừng lại, gom trong balo những tấm hình, dăm ba câu chuyện, những khoảnh khắc nhọc nhằn qua mưa nắng giờ đã là quá khứ, là kỷ niệm. Rồi mỉm cười nhích ga thêm một chút với những cung đường mới.