KHÔNG GIAN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG TÂY NGUYÊN
Cồng chiêng và sinh hoạt văn hóa cồng chiêng xuất hiện và gắn liền với các nghi lễ nông nghiệp, các nghi lễ vòng đời người, nghi lễ cộng đồng trong các buôn làng ở Tây Nguyên. Trong tất cả các sự kiện ấy, cồng chiêng luôn luôn tồn tại như một thành tố rất quan trọng. Thông qua tiếng chiêng, các dân tộc ở Tây Nguyên gửi gắm tâm hồn của mình, ước nguyện của mình với các đấng thần linh, tổ tiên, cũng như bày tỏ các mong muốn, khát vọng của mình với mùa màng, sức khỏe, hạnh phúc của con người.
Ảnh: Sưu tầm
Chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên này chính là cư dân các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ Me (ngữ hệ Nam Á): Ba Na, Gié-Triêng, Xơ Đăng, Rơ Măm, M’Nông, Cơ Ho, Mạ, Brâu và các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo Polinêdi (ngữ hệ Nam Đảo): Ê Đê, Jrai, Chu Ru. Nằm trải dài trên địa bàn gồm năm tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Trong quan niệm của người Tây Nguyên, cồng chiêng là một vật thiêng. Họ tin rằng trong mỗi chiếc cồng chiêng đều có một vị thần trú ngụ. Vị thần này là nữ tính hay nam tính tùy theo niềm tin của từng tộc người. Sức mạnh thiêng của cái cồng, chiêng không phải có ngay từ lúc nó mới được chế tác. Người Tây Nguyên không tự mình đúc được cồng, chiêng mà phải mua chủ yếu từ các xưởng đúc của người Việt ở đồng bằng. Vùng gần biên giới Lào, Campuchia người dân có thể mua một số từ nước láng giềng. Chiêng mua về phải trải qua gò, chỉnh mới có được âm thanh phù hợp với hàng âm của tộc người. Thông thường mỗi tộc người Tây Nguyên đều có nghệ nhân gò, chỉnh. Sau khi có được âm thanh mong muốn, người ta còn làm lễ hiến sinh để mời thần chiêng về trú ngụ trong chiêng và chỉ sau đó chiêng mới thực sự là của cải vật chất và tinh thần của con người. Do đó, cái chiêng càng lâu đời bao nhiêu thì sức mạnh của vị thần trong đó càng lớn bấy nhiêu.
Bộ cồng chiêng Tây Nguyên
Là một vật thiêng nên âm thanh cồng chiêng cũng mang tính thiêng và con người đã sử dụng nó như một ngôn ngữ để “đối thoại” với tổ tiên và thần linh. Do đó, chức năng bao trùm của cồng chiêng là chức năng nghi lễ. Tiếng chiêng chuyên chở những nguyện vọng tình cảm của con người và cách thể hiện chúng qua âm nhạc chiêng cồng. Mỗi dân tộc trong các nghi lễ dùng một biên chế dàn chiêng riêng và một hay nhiều bài nhạc chiêng riêng. Và đương nhiên, những biên chế, những bài nhạc đó khác nhau ở từng tộc người. Ví dụ, nhóm KPạ của dân tộc Ê Đê trong các nghi lễ cầu mùa và cầu sức khỏe cho con người, biên chế dàn chiêng là 9 chiêng và 1 trống, trong tang lễ lại chỉ dùng hai chiêng núm, một chiêng bằng. Dân tộc M’Nông khi cúng thần dùng 6 chiêng đồng nhưng trong tang lễ lại dùng 6 chiêng bằng nứa. Dân tộc Xơ Đăng khi cúng thần dùng một bộ chiêng riêng, trong tang lễ khác dùng chiêng H’Lênh gồm 11 chiếc: 3 cồng, 8 chiêng. Dân tộc Mạ trong lễ cúng thần dùng bộ chiêng bằng đồng gồm 6 lá chiêng, trong lễ tang dùng bộ chiêng nứa...
Người Tây Nguyên gửi gắm nhiều ước nguyện của mình qua tiếng cồng chiêng
Cồng chiêng Tây Nguyên còn gắn liền với những hình thức sinh hoạt văn hóa gia đình, cộng đồng ở một số dân tộc như Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Gié-Triêng... âm nhạc cồng chiêng luôn đi liền với nhảy múa nghi lễ. Thông thường, nhảy múa do phụ nữ đảm trách, cũng có dân tộc, trong một số lễ thức, đàn ông cũng tham qua đội hình nhảy múa, hoặc người ta cũng không phân biệt rõ rệt vai trò thực hiện các điệu múa là của nam hay nữ. Mỗi dân tộc, mỗi buôn làng, cư dân có những điệu múa riêng mà người nơi khác không dễ dàng tham gia.
Vũ điệu cồng chiêng Tây Nguyên
Trang phục của nghệ nhân trình diễn chiêng và những người nhảy múa, bao giờ cũng là bộ sắc phục đẹp nhất, đặc trưng của dân tộc mình dành riêng cho những khi tiến hành lễ hội mà thường ngày ít khi bắt gặp. Bộ y phục này còn được trang hoàng thêm bởi những vòng đồng, bạc ở vùng thắt lưng, những vòng cườm ở quanh cổ và những vòng đồng ở cổ tay. Cũng có trường hợp người ta còn buộc thêm những quả chuông đồng nhỏ ở quanh cổ chân, khiến cho những bước di chuyển của những nghệ nhân theo những tiếng va chạm của chuông đồng. Chúng tạo cho những người dân trên cao nguyên một vẻ đẹp khác thường và là dấu hiệu giàu bản sắc để phân biệt dân tộc này với các dân tộc khác trong cùng một vùng sinh sống.
Những bộ sắc phục đẹp nhất khi tiến hành lễ hội
Vì tính độc đáo của mình, không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của Việt Nam được ghi danh là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của phân loại, sau đó được chuyển sang danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đánh dấu bước chuyển mình của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu ở Việt Nam. Và cho đến nay, không gian văn hóa ấy vẫn được lưu giữ trong các buôn làng tại cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất Tây Nguyên.
Từ khóa: